Điều gì làm nên “thương hiệu du lịch” Đà Nẵng?
Trong bối cảnh lượt khách du lịch đến các địa phương trong cả nước đều sụt giảm, thì Đà Nẵng lại nổi bật lên về sự tăng trưởng du lịch. Đặc biệt, Đà Nẵng đang và sẽ là điểm đến đầy hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của cả du khách quốc tế lẫn nội địa. Vậy đâu là bí quyết của Đà Nẵng?
Điểm đến hài lòng
Ngoài những con số tăng trưởng, sự "tín nhiệm" của du khách đối với Đà Nẵng mới là điều đáng mừng. Rất nhiều du khách khu vực phía Bắc đã chọn Đà Nẵng là điểm đến nghỉ dưỡng ít nhất 1 lần trong năm. Cá biệt, nhiều gia đình đến Đà Nẵng 2-3 đợt/năm.
Chị Trần Thu Trang, Hà Nội nhận xét: "Về điều kiện tự nhiên, môi trường sông, núi, biển thì không phải duy nhất có ở Đà Nẵng. Hạ Long, Nha Trang, Vũng Tàu... không thiếu. Nói là trung tâm của nhiều di sản văn hóa cũng không hoàn toàn đúng. Với gia đình tôi, gần như đã "thuộc lòng" các điểm tham qua, biết hầu hết các sản phẩm du lịch ở Đà Nẵng, nhưng vẫn thích đến. Đó là cảm giác hạnh phúc, yên tâm".
Anh Nguyễn Học Khánh (du khách Hà Nội) cho biết, anh đi cùng gia đình đến du lịch tại Đà Nẵng được 3 ngày tại các điểm Bà Nà Hills, Bán đảo Sơn Trà, các bãi tắm biển… nhưng chưa thấy “khiếm khuyết” gì về cung cách phục vụ du lịch. Anh Khánh dùng từ “tuyệt vời” để nói về môi trường biển sạch đẹp, con người thân thiện, thật thà, không chặt chém giá cả... làm nên "thương hiệu du lịch" Đà Nẵng.
“Tôi cảm giác môi trường du lịch ở Đà Nẵng không mang tính chụp giật” - anh Khánh nói. Trong mắt Khánh, nếu nói về cuộc sống văn minh, Đà Nẵng phải đi đầu trong cả nước. Người Đà Nẵng đã tạo nên một nếp sống gương mẫu “buộc” khách du khách khi đến đây phải “nhập gia tùy tục”. Đó là điều các tỉnh, thành khác phải học hỏi.
“Khi thấy không ai ăn uống vứt rác bừa bãi như biển Nha Trang chẳng hạn, tôi nghĩ không du khách nào không thực hiện theo” - anh Khánh đúc kết.
Hơn 7 năm về trước, nhắc đến bãi biển Mỹ Khê, Sao Biển… (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), báo chí phải dùng các từ bị đầu độc, ám ảnh… để mô tả cảnh tượng ô nhiễm tại đây. Nhiều du khách đến “lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng”. Nhưng những bức xúc ấy đã được chính quyền và nhân dân lắng nghe, nhìn lại. Bằng chứng là vài năm lại đây, bằng nhiều biện pháp khắc phục khác nhau, bãi biển này giành lại “thương hiệu” mà chính khách du lịch gật đầu công nhận: “Nàng công chúa quyến rũ”…
Chị Hương (quê Đắc Lắc) đi du lịch đến Đà Nẵng, đang tắm biển tại bãi biển Mỹ Khê - gật đầu tâm đắc: “Tôi đến đây lần đầu tiên, so với các bãi biển khác mà tôi từng đi thì bãi biển Mỹ Khê khá sạch sẽ và không có hàng rong bán buôn nhếch nhác, gây mất trật tự. Đặc biệt là cứ cách vài chục mét lại thấy đặt chiếc thùng rác “chim cánh cụt” có ghi dòng chữ “Xin cho tôi rác” ngay trên bãi biển. Tôi cho đây là sáng kiến thú vị. Một phần giúp tác động trực tiếp đến ý thức bảo vệ môi trường của du khách, một phần giúp du khách thuận tiện bỏ rác, đỡ phải chạy ra tít ngoài đường lớn bỏ vào thùng”.
Theo ông Trần Đại Nghĩa - Phó trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, để giữ được bãi biển sạch đẹp như hôm nay, trước hết là nhờ công tác tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường đến người dân và du khách có hiệu quả. Ngoài dùng loa phát thanh tuyên truyền trực tiếp trên bãi biển thì việc tăng cường các thiết bị như thùng rác, máy gom rác trên cát… tại bãi biển đã hạn chế đáng kể việc xả rác bừa bãi ra môi trường. Thêm nữa, đội ngũ công nhân môi trường biển làm việc khá tích cực, nhiều khi rác nhiều do mưa bão, các công nhân tăng ca đến 22h đêm.
Hài lòng, đánh giá cao "môi trường phục vụ du lịch" … tại các điểm du lịch Đà Nẵng như Bà Nà Hills, danh thắng Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng… du khách anh Lương Đức Tiến (quê Hà Nội)- cho biết.
Anh Tiến cho rằng, để du lịch thành phố Đà Nẵng bền vững, trong tương lai, cần quan tâm nhiều hơn đến yếu tố con người, kích cầu du lịch và các sản phẩm đồ lưu niệm.
Đâu là bí quyết?
Trả lời câu hỏi này, ông Trương Chí Cường, Phó GĐ Sở VHTT-DL Đà Nẵng cho biết, để có một Đà Nẵng – điểm đến thu hút khách du lịch hôm nay là có cả một quá trình phấn đấu từ nhiều năm nay. Tuy vậy, yếu tố cơ bản xuất phát từ quan điểm thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt từ chỉ đạo trong các nghị quyết (NQ 03 của BCH Đảng bộ TP, Nghị quyết 33 Bộ chính trị), đến việc triển khai các chương trình hành động của chính quyền và thực hiện của người dân. Quan trọng là việc chỉ đạo quyết liệt của các thế hệ lãnh đạo Đà Nẵng, kể trong công tác đầu tư phát triển hạ tầng, xúc tiến du lịch, đến kế hoạch an sinh xã hội…
Tất cả đều hướng đến mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển du lịch, để làm du lịch. Chính vì vậy, Đà Nẵng không chỉ có được nhiều điểm đến, nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, có hạ tầng du lịch tương đối hoàn hảo… mà còn thay đổi được đổi nhận thức mọi người dân. Từ việc ý thức của người dân trong xây dựng TP môi trường, ứng xử văn minh trong kinh doanh, trong giao thông trật tự… cho đến các mục tiêu xây dựng TP văn hóa văn minh đô thị, TP môi trường đều là một trong nhiều yếu tố đã dẫn đến thành công cho việc thu hút du khách như hiện nay.
Tất cả vì mục tiêu chung, xây dựng Đà Nẵng thành địa chỉ đáng sống, có môi trường văn minh, văn hóa cho nên các tầng lớp xã hội đều ý thức gìn giữ bằng sự tự tôn. Điều đó biểu hiện không chỉ thái đội thân thiện của người dân, gìn giữ môi trường xanh sạch đẹp, không chặt chém trong buôn bán... mà còn trong hành xử của cán bộ, cơ quan công quyền cũng văn minh, thân thiện như CSGT chỉ nhắc nhỡ du khách khi đến Đà Nẵng đi ngược đường, như không phạt du khách lần đầu vất rác trên bãi biển so với dân địa phương...
Chính quyền Đà Nẵng không chỉ biết lắng nghe, phản ứng nhanh để giải quyết từng sự vụ biểu hiện tiêu cực, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh TP, mà còn tôn vinh, khen thưởng, nêu gương kịp thời các cá nhân, đơn vị có đóng góp tốn trong phát triển du lịch, trong việc xây dựng thương hiệu Đà Nẵng.