Du lịch đường sông Đà Nẵng
Phối cảnh dự án cầu tàu và bến du thuyền ở bờ đông sông Hàn. Khi đi vào sử dụng, dự án này sẽ góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch đường sông Đà Nẵng.
Du lịch đường sông là sản phẩm du lịch đầy tiềm năng mà Đà Nẵng đang thúc đẩy đầu tư và quảng bá. Đặc biệt, việc sắp tới đây thành phố cho xây dựng cầu tàu và bến du thuyền không chỉ khắc phục khó khăn trong việc thiếu bến neo đậu trong suốt nhiều năm qua mà còn mở ra hướng mới cho phát triển du lịch đường sông của Đà Nẵng.
Hình thành chuỗi sản phẩm mới
Thời gian qua, du lịch đường sông ở Đà Nẵng có bước phát triển vượt bậc, làm nên “hương vị” riêng của ngành du lịch thành phố. Khi cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý khánh thành, lượng khách đăng ký tour du lịch đường sông tăng lên đáng kể, hầu như tối nào các tàu cũng chở được vài chục lượt khách. Nhất là tour “Thưởng ngoạn sông Hàn về đêm” tuy chỉ mới khai thác gần 1 năm nay nhưng đã tạo được ấn tượng trong lòng đông đảo du khách, góp phần “gỡ khó” cho ngành du lịch Đà Nẵng về việc thiếu sản phẩm du lịch ban đêm. “Tôi đã đến Đà Nẵng nhiều lần, nhưng lần này đến Đà Nẵng rất ấn tượng với tour du lịch đường sông ngắm cầu Rồng phun lửa, ngắm thành phố về đêm. Tôi nghĩ đây là sản phẩm du lịch hấp dẫn, nếu Đà Nẵng quảng bá tốt sẽ được nhiều du khách đón nhận nhiệt tình”, anh Huỳnh Thiên Trường (du khách TP. Hồ Chí Minh) cho biết.
Du lịch đường sông ở Đà Nẵng hình thành và phát triển từ năm 2009 đến nay nhưng lại thiếu bến bãi neo đậu khiến các tàu gặp khó khăn trong việc đón trả khách. Khi hay tin thành phố cho xây dựng cầu tàu và bến du thuyền trong tháng 4 tới, nhiều chủ tàu bày tỏ vui mừng vì mùa du lịch hè sắp tới sẽ làm ăn thuận lợi hơn. Ông Trần Văn Minh, chủ tàu du lịch Minh Trần, cho biết: “Hiện nay tình trạng du khách phải trèo lan can qua đường Bạch Đằng để xuống tàu hay trèo thang tre từ tàu xuống các điểm du lịch gây mất an toàn khiến nhiều du khách không hài lòng. Việc xây dựng bến neo đậu sẽ giúp đội tàu có chỗ cố định để đón trả khách, không phải nay đây mai đó như trước đây nữa”. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết, khi cầu tàu này hoàn thành, Sở sẽ phối hợp với Sở Giao thông vận tải làm thủ tục cấp phép tuyến cố định cho các tàu thuyền kinh doanh du lịch đường sông để đưa du lịch đường sông đi vào hoạt động nền nếp hơn.
Công ty Cổ phần DHC-Marina, chủ đầu tư dự án cầu tàu và bến du thuyền “Đà Nẵng Marina”, cho biết dự án đang trong giai đoạn “nước rút” hoàn thành các thủ tục cần thiết để khởi công xây dựng vào cuối tháng 4 tới. Bà Trần Phương Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần DHC-Marina, cho biết: “Việc xây dựng dự án cầu tàu và bến du thuyền “Đà Nẵng Marina” nhằm mục đích đưa du lịch đường sông ở Đà Nẵng phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có của nó. Đồng thời khi dự án này đi vào hoạt động sẽ hình thành một chuỗi các sản phẩm dịch vụ mới như thể thao dưới nước, CLB du thuyền, các sự kiện văn hóa trên sông nước… và đặc biệt là chúng ta có thể kết nối du lịch đường thủy ở Đà Nẵng với Huế, Quảng Bình ở phía Bắc hoặc Nha Trang, Ninh Thuận ở phía Nam. Trong tương lai, chúng ta có thể hy vọng du lịch đường sông ở Đà Nẵng sẽ là sản phẩm du lịch đặc trưng, không chỉ mang tầm quốc gia mà còn vươn tầm quốc tế”.
Hình thành đội tàu chuyên nghiệp và kết nối điểm đến
Theo các nhà làm du lịch, việc xây dựng cầu tàu và bến du thuyền là cần thiết, tạo “luồng gió mới” cho phát triển du lịch đường sông ở Đà Nẵng. Nhưng để du lịch đường sông phát triển đúng hướng, điều kiện cần là phải mở rộng các tour, tuyến, kết nối với hai địa phương lân cận là Quảng Nam và Huế. Trong năm 2013, du lịch đường sông trên địa bàn thành phố có nhiều thay đổi khi đưa vào khai trương 2 tour mới là “Thưởng ngoạn sông Hàn về đêm” và “Khám phá Bãi cát Vàng” đã bước đầu hình thành các tour, tuyến chính thức để các doanh nghiệp đầu tư khai thác khách.
“Các tour du lịch đường sông hiện nay mới chỉ loanh quanh ở Đà Nẵng với các dịch vụ nghèo nàn, chưa hình thành sản phẩm du lịch độc đáo để quảng bá cho du khách khiến doanh nghiệp lữ hành không mặn mà khai thác. Sản phẩm đường sông muốn có khách trước tiên phải có điểm đến được đầu tư bài bản với các dịch vụ kèm theo, có như vậy mới khai thác tour du lịch đường sông”, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành thành phố, đề xuất. Theo ông Dũng, việc cần làm hiện nay là sớm khơi thông dòng sông Cổ Cò kết nối Đà Nẵng với Điện Bàn, Hội An (Quảng Nam) để hình thành tour du lịch làng quê, văn hóa, sinh thái đặc trưng không chỉ du khách trong nước mà khách nước ngoài rất thích thú khám phá.
Hiện nay các hãng lữ hành địa phương vẫn rất dè dặt khi đưa tour du lịch đường sông vào chương trình tham quan, khám phá Đà Nẵng cho du khách ở 2 đầu đất nước và cả khách nước ngoài vì sản phẩm này không mang tính ổn định. Không như các tỉnh, thành khác, tour du lịch đường sông ở Đà Nẵng chỉ khai thác được trong mùa khô, còn mùa mưa thì phải nằm bờ vì công suất của các tàu rất nhỏ. Đội tàu du lịch Đà Nẵng hiện nay có khoảng 12 chiếc, tuy nhiên đa số đều cải hoán từ tàu cá, không đủ công năng phục vụ khách với số lượng lớn.
Trong cuộc họp báo cáo kết quả hoạt động ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2014 tháng 2 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến nhấn mạnh cần khuyến khích phát triển du lịch đường sông, đưa sản phẩm du lịch này trở thành sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng. Đồng chí cũng chỉ đạo các ngành chức năng có các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho các chủ tàu vay vốn để đóng mới và nâng cấp các tàu du lịch.