Lắp đặt biểu tượng Cá chép hóa rồng trên bến du thuyền DHC-Marina
Ngày 11/04/2015 - Biểu tượng Cá chép hóa rồng thuộc dự án “Bến du thuyền và Câu lạc bộ thể thao dưới nước” đã chính thức được vận chuyển từ làng đá Non Nước về lắp đặt tại Bến du thuyền DHC-Marina (do Công ty Cổ phần DHC-Marina, thành viên Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư DHC làm chủ đầu tư).
Tọa lạc tại bờ Đông sông Hàn, dự án “Bến du thuyền và Câu lạc bộ thể thao dưới nước” hứa hẹn đưa du thuyền từ một phương tiện sang trọng, đẳng cấp trở nên gần gũi; đồng thời phát triển Đà Nẵng thành điểm đến nổi tiếng về du thuyền cả trong và ngoài nước.
Cá chép hóa rồng vốn tượng trưng cho sự thăng tiến, may mắn trên con đường công danh, sự nghiệp. Hình ảnh này đã được lựa chọn làm biểu tượng cho bến du thuyền. Câu chuyện cá chép vượt Vũ Long Môn hóa rồng là bài học về ý chí, sự tự tin và nỗ lực của bản thân. Không chỉ mang ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa dân gian mà còn rất phù hợp với Đà Nẵng - thành phố của những con người trẻ luôn phấn đấu “hóa rồng”, bởi vì cơ hội công bằng luôn dành cho tất cả mọi người.
Biểu tượng được chuyển từ làng đá Non Nước bằng cả đường bộ lẫn đường thủy, huy động 3 container và xà lan cùng cần cẩu lớn.
Vị trí đặt tượng là bến du thuyền và CLB thể thao dưới nước DHC - Marina bên bờ Đông sông Hàn.
Biểu tượng đặt tại trung tâm hình bát giác theo ý nghĩa phong thủy của người xưa. Hình bát giác biểu trưng cho sự may mắn vì tổng hợp từ 8 yếu tố cơ bản của vũ trụ (Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài). Thân cá chép được điêu khắc tài tình với lớp vẩy rắn chắc mạnh khỏe. Đầu hóa rồng hiên ngang phun nước đúng với truyền thuyết cá chép hóa rồng phun mưa cứu độ chúng sinh. Phần đầu được lấy ý tưởng hình ảnh rồng thời Lý - một trong những thời kỳ thịnh vượng nhất của lịch sử Việt Nam. Đuôi cá được điêu khắc nghệ thuật từ hình ảnh cách điệu hai bàn tay đặt đối xứng, mang ý nghĩa hòa bình, thịnh vượng, tình đoàn kết chung sức chung lòng… Tất cả đã làm toát lên nghị lực hóa rồng của cá chép, bỏ lại đằng sau những lớp sóng dữ đang cuồn cuộn dâng trào.
Công trình được thiết kế hướng ra mặt sông, phần khối đế cao 4.3 mét ghép từ các phiến đá chẻ. Đặt trên khối đế vững chắc là tượng cá chép đang vươn mình hóa rồng trên sóng nước. Tượng cao 7.5 mét, đúc từ 5 khối đá cẩm thạch trắng tự nhiên - một trong những loại đá quý, chất lượng cao, đường vân đẹp mắt với khối lượng gần 200 tấn. Chỉ riêng phần đầu rồng đã có khối lượng lên đến hàng chục tấn.
Tiến hành công đoạn lắp đặt phần đế của biểu tượng.
Phần thân biểu tượng với những lớp vẩy rắn chắc, mạnh khỏe của cá chép.
Đuôi cá được cách điệu từ hình ảnh hai bàn tay đặt đối xứng, mang ý nghĩa hòa bình, đoàn kết…
Theo chia sẻ của Nghệ nhân Nguyễn Hùng - nghệ nhân nổi tiếng tại làng đá Non Nước - thì đây là lần đầu tiên trong 28 năm làm nghề, anh thực hiện công trình có kích thước vừa cao lớn vừa mang đậm tính nghệ thuật như vậy. Quá trình khai thác, vận chuyển các khối đá từ Quỳ Hợp - một huyện miền núi phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An - xuống đến đồng bằng cũng lắm công phu. 30 nghệ nhân lành nghề và tâm huyết đã ngày đêm túc trực, thay phiên nhau chế tác trong khoảng thời gian 3 tháng. Mỗi chi tiết đều được tính toán kỹ lưỡng đến từng mm, vì một sai sót nhỏ thôi cũng ảnh hưởng đến tổng thể.
Các nghệ nhân cũng phải thử lắp đặt nhiều lần tại làng đá trước khi thực hiện công việc tại bến du thuyền để đảm bảo tính an toàn tuyệt đối cho công trình. Để lắp đặt Cá chép hóa rồng, hàng chục nghệ nhân đã cùng tham gia lên phương án di chuyển từ làng đá Non Nước về Bến du thuyền bằng cả đường bộ lẫn đường thủy, huy động 3 container và xà lan cùng cần cẩu lớn. Đây cũng là lần đầu tiên các nghệ nhân làng đá sử dụng cần cẩu lớn trên xà lan để lắp đặt tượng đá. Trong suốt thời gian vận chuyển và lắp đặt tượng Cá chép hóa rồng, các nghệ nhân đã phải làm việc trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, tuy nhiên điều đó cũng không làm ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện bức tượng tuyệt vời này.
Phần đầu lấy ý tưởng hình ảnh rồng thời Lý - một trong những thời kỳ thịnh vượng của lịch sử Việt Nam.
Tượng sau khi được lắp đặt sẽ đến công đoạn đánh bóng, hoàn thiện các khớp nối.
Toàn cảnh biểu tượng Cá chép hóa rồng và một phần Bến du thuyền được ghi hình từ thiết bị flycam.
Không chỉ các nghệ nhân làng đá, mà ngay cả những người dân thành phố Đà Nẵng cũng rất háo hức mong chờ và theo dõi quá trình lắp đặt tượng Cá chép hóa rồng. Rất nhiều người đã ghi lại khoảnh khắc đặc biệt này như một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời.
Hình ảnh Cá chép hóa rồng không chỉ làm đẹp cảnh quan Bến du thuyền mà còn góp phần điểm tô giá trị thẩm mỹ cho khu vực bờ Đông sông Hàn. Công trình quy mô này hứa hẹn sẽ cùng với Cầu Rồng trở thành những biểu tượng du lịch tại thành phố; góp phần phát triển ngành du lịch của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.