Nới lỏng cấp visa cho nhiều nước, BĐS Việt Nam sẽ phát triển mạnh
Nguồn cung phòng khách sạn từ 3 đến 5 sao tại Đà Nẵng đang có xu hướng tăng cao, dẫn đến giá phòng có xu hướng giảm so với 2014.
Tóm tắt
- Tại Tp.HCM, công suất thuê phòng giảm 6,7% so với năm trước đó, trong khi Hà Nội lại tăng 6,7% cho khách sạn 4 và 5 sao.
- Từ ngày 1/7/2015, Luật Nhà ở năm 2014 vừa có hiệu lực cho phép người nước ngoài mua nhà có thể thu hút người nước ngoài trở lại Việt Nam đầu tư vào BĐS sẽ tăng. Họ sẽ mua các căn hộ nghỉ dưỡng, qua đó hàng năm họ sẽ quay lại Việt Nam sinh sống một thời gian ngắn nào đấy.
Các mặt đều giảm
Công ty Grant Thornton Việt Nam vừa công bố báo cáo cuộc khảo sát ngành dịch vụ khách sạn trong nước năm 2014. Đây là năm thứ 12 cuộc khảo sát này được thực hiện tại Việt Nam. Lần này Grant Thornton chỉ tập trung khảo sát hệ thống khách sạn 4-5 sao.
Theo báo cáo, giá phòng bình quân tăng cao nhất tại miền Trung và Tây nguyên với tỷ lệ 0,2%. Trong đó, tại Đà Nẵng/Hội An lại tăng cao với tỷ lệ 23%. Ngược lại, chỉ số này lại giảm ở Phan Thiết với tỷ lệ 17,2%. Cả Hà Nội và Tp.HCM đều giảm với tỷ lệ tương ứng là 13,7% và 4,7%.
Ngoài ra, công suất cho thuê phòng bình quân giảm 2%, trong đó khách sạn 4 sao giảm 3,6% so với năm 2013. Tại Tp.HCM, công suất thuê phòng giảm 6,7% so với năm trước đó, trong khi Hà Nội lại tăng 6,7% cho khách sạn 4 và 5 sao. Chi phí và lợi nhuận trên doanh thu (EBITDA) trong năm 2014 đạt 34,0%. Trong đó, chi phí quản lý là tăng nhiều nhất chiếm 14,5%, trong khi năm 2013 chỉ chiếm 11,8%.
Cũng theo Grant Thornton, phân khúc khách sạn cao cấp hoạt động kém hiệu quả hơn so với giai đoạn trước, EBITDA còn 34%, tức giảm 5,5% so với năm 2013. Sự sụt giảm này là do thay đổi chi phí, có thể là chi phí quản lý tăng 2,7% và chi phí khác tăng 1,9%. Chi phí cho các bộ phận của khách sạn cũng tăng đến 15% đã tạo nên ảnh hưởng tới EBITDA.
Bên cạnh đó, báo cáo còn cho thấy số lượng khách quốc tế lưu trú tại khách sạn cao cấp nằm ở miền Nam tăng 10,1% trong năm 2014 so với năm trước đó. Trong khi đó, tỷ lệ ở miền Trung và Tây nguyên đã giảm 3,5% và ổn định ở miền Bắc với 85,4% tổng số khách lưu trú trong năm qua.
Trong năm 2014, tổng số khách châu Á, trong đó bao gồm cả Việt Nam là nguồn khách lớn nhất, đạt 44,8%, tuy nhiên tỷ lệ này vẫn giảm 0,4% so với năm trước. Tỷ lệ khách châu Âu đến Việt Nam cũng giảm 1,6% so với năm 2013.
Tổng quan thị trường khách sạn Việt Nam năm 2014. Nguồn: Grant Thornton Việt Nam.
Tạo cơ hội cho BĐS nghỉ dưỡng
Ông Kenneth Atkinson, Giám đốc điều hành Grant Thornton Việt Nam, cho biết dự báo năm 2015, thị trường khách sạn Việt Nam không có nhiều tín hiệu tăng trưởng như mong đợi. Có nhiều yếu tố tác động đến thị trường du lịch VIệt Nam, như các chuyến bay từ Nga đến Việt Nam giảm, vấn đề cấp visa đang là rào cản bước chân du khách đến.
Đặc biệt, từ ngày 1/7/2015, Luật Nhà ở năm 2014 vừa có hiệu lực cho phép người nước ngoài mua nhà có thể thu hút người nước ngoài trở lại Việt Nam đầu tư vào BĐS sẽ tăng. Họ sẽ mua các căn hộ nghỉ dưỡng, qua đó hàng năm họ sẽ quay lại Việt Nam sinh sống một thời gian ngắn nào đấy. Tuy nhiên, nếu Việt Nam chậm cải cách quy trình cấp visa và mở rộng đối tượng được miễn giảm visa thì sẽ đánh mất cơ hội này.
Hiện nay du khách từ Hồng Kong, Singapore muốn đi đánh golf và du lịch cuối tuần thay vì qua Việt Nam thì họ sẽ sang Thái Lan vì nước giảm visa cho người dân nhiều nước trên thế giới.
“Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do với các quốc gia thì nên bỏ quy định cấp visa có thời hạn với những nước này. Mặc dù phí cấp visa là nguồn kinh phí đóng góp cho kinh phí hoạt động của ngoại giao nhưng cần có hướng nhìn thoáng hơn, dài hơi hơn. Nếu lượng du khách đến Việt Nam tăng, họ sẽ tăng chi tiêu, khi đấy hàng hoá bán được thì nguồn thu từ thuế sẽ tăng lên, và lĩnh vực BĐS trong nước sẽ có cơ hội tốt phát triển”, ông Atkinson giải thích thêm.
Theo Trí Thức Trẻ