Văn hóa, văn minh đô thị: Nhìn từ những quán ăn
Đà Nẵng, những năm qua, cùng với sự phát triển trên các lĩnh vực KT-XH, các loại hình dịch vụ, trong đó có dịch vụ ăn uống cũng nở rộ như "nấm sau mưa". Nhiều nhà hàng, quán ăn từ sang trọng đến bình dân xuất hiện ở khắp nơi.
Một nội dung cụ thể liên quan đến loại hình dịch vụ này, được nhắc đến nhiều, nhất là khi thành phố thực hiện đề án "Có nếp sống văn hóa - văn minh đô thị" trong chương trình "Thành phố 3 có", đó là chuyện vệ sinh và an toàn thực phẩm tại các nhà hàng, quán ăn. Đi vào cụ thể, là chuyện khách ăn vứt giấy lau bát đũa và các phế phụ phẩm khác liên quan đến ăn uống một cách bừa bãi xuống nền nhà, vừa mất mỹ quan, vừa mất vệ sinh, chuyện mà nhiều năm trước đây dư luận đã không ít lần phản ánh...
Từ khi có "3 có", khách quan mà nhìn nhận, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong các nhà hàng, quán ăn. Rất nhiều quán, kể cả các quán bình dân, đều có để giỏ đựng rác dưới chân mỗi bàn ăn. Việc bố trí cũng khá ngăn nắp, gọn gàng và sạch sẽ. Chu đáo hơn, không ít quán còn cho in dòng chữ "Xin quý khách vui lòng bỏ giấy vào giỏ rác" dán lên tường. Việc làm trên của các chủ quán đã góp phần không nhỏ nâng cao ý thức của mọi người mỗi khi vào các nhà hàng, quán ăn.
Những người vốn đã có sẵn ý thức tự giác thì giờ đây đã có chỗ để thể hiện, điều mà trước đây thường gặp: tìm quanh cũng không có chỗ để bỏ giấy. Nhưng người chưa có ý thức hoặc có "tính hay quên" thì khi được nhắc nhở, gợi ý một cách "tế nhị" như vậy, ít nhiều cũng tự giác hơn. Tuy nhiên, điều đáng buồn là hiện nay vẫn còn không ít quán ăn, mặc dù có đủ giỏ rác và cả "khẩu hiệu" nhắc nhở, nhưng dưới nền nhà vẫn la liệt giấy lau và các thứ khác. Thậm chí có những giỏ rác để ngay cạnh chân người ngồi, miệng giỏ "rộng mở", mà người ta vẫn cứ ném giấy... ra ngoài!
Người dân và du khách thưởng lãm trình diễn pháo hoa quốc tế.
Vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là một vấn đề được quan tâm nhiều mỗi khi nói đến nhà hàng - quán ăn. Đã có những quy định khá chặt chẽ của cơ quan chức năng đặt ra đối với chủ cũng như người phục vụ trong các nhà hàng quán ăn. Cũng đã gặp khá phổ biến cảnh người bán nhất là ở các quán ăn, tay có đeo bao tay mỗi khi đụng đến bún, mì phở..., hay thái thịt có dao thớt riêng cho thịt chín, sống... Nhưng đây đó cũng còn khá phổ biến việc người bán, tay bốc rau, bún... và ngay sau đó, cũng bàn tay đó nhận và trả tiền thừa cho khách.
Một chuyện nữa là, thỉnh thoảng tại một vài quán ăn, trên tường có gắn Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn kinh doanh hàng ăn uống hoặc có khi còn có cả giấy khen về thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm... Điều đó chứng tỏ đã có xác nhận của cơ quan chức năng về sức khỏe của chủ các nhà hàng, quán ăn (chưa nói là của những người phục vụ trong các quán đó).
Tuy nhiên, việc để có được một giấy chứng nhận sức khỏe đảm bảo để kinh doanh dịch vụ ăn uống lại khá dễ dàng. Một chủ quán cà-phê trên đường Phan Thanh Tài cho biết, gọi là đi khám sức khỏe cho vui chứ chủ yếu là nộp tiền vào rồi bác sĩ hỏi gì trả lời nấy và cuối cùng là những nhận xét "tốt" và "bình thường". Chỉ duy nhất một lần bác sĩ "đụng" vào người là đo huyết áp! Việc phát hiện các căn bệnh ảnh hưởng đến điều kiện kinh doanh loại hình dịch vụ này như các bệnh truyền nhiễm, da liễu... thì với cách "khám" như vậy, rất khó bị phát hiện!
Điều cuối cùng muốn đề cập liên quan đến các nhà hàng, quán ăn là chuyện "độ sạch" của chén bát, đũa thìa, rau trái... có đủ độ tin cậy đến đâu, vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ và có lẽ còn là câu chuyện dài. Đó là chưa kể những miếng giấy lau trông thì được cắt xén khá đẹp đấy nhưng ai dám đảm bảo đó là "giấy sạch".
Đôi điều về những chuyện thấy được tại các nhà hàng, quán ăn ở Đà Nẵng để thấy được những việc cần phải làm của các cơ quan chức năng như y tế, thương mại, chính quyền các cấp và của cả cộng đồng, nhất là trong bối cảnh thành phố đang đẩy mạnh triển khai "Năm Văn hóa, văn minh đô thị 2015".
Theo Cadn.com.vn